Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015


1.Thuyết minh danh lam thắng cản

h ở Bình Định - Tháp Bánh Ít
Tháp Bánh Ít là một trong bảy cụm Tháp trên đất Bình Ðịnh, một khu di tích đẹp, đặc sắc và còn lại nhiều tháp nhất, có giá trị văn hóa độc đáo trong kiến trúc của Việt Nam, được tạo lập vào giai đoạn cuối thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XII, dưới thời trị vì của hai quốc vương Harivarman IV và V.
Tháp Bánh Ít
 
Trước kia tháp Bánh Ít nằm trong phạm vi của làng Tri Thiện, xã Phước Quang, Tuy Phước nên tháp này còn mang tên là tháp Tri Thiện, ngoài ra tháp Bánh Ít còn có những tên gọi khác như tháp Cầu Bà Gi, tháp Thiện Mẫu, Thổ Sơn hay người Pháp gọi là Tour d'argent - tháp Bạc.
Tháp Bánh Ít có bốn ngọn được xây trên một đồi núi đất đỏ, to, cao, trông có vẻ hùng vĩ, uy nghi, vượt hẳn những ngọn tháp khác. Ngọn to nhất cao 22m xây ở đỉnh đồi, nhìn từ xa trông giống như chiếc bánh ít lá gai. Chung quanh ngọn tháp chính, còn có ba ngọn tháp phụ, hình dáng thấp và nhỏ bé hơn nhiều. Trong ba ngọn tháp này, có hai ngọn giống như hai chiếc bánh ít ngọt và một ngọn giống cái bánh ít mặn, đều lột trần. Mỗi tháp là một kiến trúc riêng biệt mang sắc thái khác nhau, trên đỉnh mỗi tháp đều có tượng thần Siva làm bằng đá.
Tháp cổng phía đông cao chừng 13m, xây trên bình đồ hình vuông, mỗi chiều 7m, chất liệu hoàn toàn bằng gạch đá ong. Tháp mở ra hai cửa thông nhau theo hướng Đông - Tây. Ðây là kiến trúc Gopura với vòm cửa hình mũi giáo, có nhiều lớp liên tiếp vút lên phía trên. Hai mặt Bắc và Nam là hai cửa giả, bịt kín. Thân tháp có những rãnh dọc được xoi lõm, tạo thành những cột ốp có dáng cao vút, thanh thoát nhẹ nhàng.

Một tháp cổng phía Nam cao chừng 10m có phần kiến trúc giống tháp cổng phía Đông và cùng phong cách kiến trúc Bình Ðịnh: bình đồ vuông, cửa hình mũi giáo, thân được tạo các cột ốp... Song ở tháp cổng phía nam có những đặc điểm riêng như bốn cửa thông nhau. Ðây là kiến trúc Posah có bộ mái khá đặc biệt, các tầng mái nhỏ dần về phía trên. Mỗi tầng đều có hàng cột thể hiện theo lối thắt giữa, phình ra ở hai đầu trông giống như những quả bầu nậm, tạo cho di tích giá trị riêng biệt.
Tháp chính nằm trên đỉnh đồi, bình đồ hình vuông, mỗi chiều đo được 11m, có một cửa chính ở phía Đông và ba cửa giả. Ðây là kiến trúc Kalan với cửa chính nhô ra khỏi mặt tường đến 2m, vòm cửa hình mũi giáo, chính giữa vòm có phù điêu mặt Kala. Diềm mái vòm là một băng phù điêu hình khỉ thần HaNuMan đang múa. Ở các cửa giả nhô ra ít hơn, diềm mái vòm lại được tạo các phù điêu Gajasimha (mình người đầu voi). Thân tháp chính có năm cột dọc, rãnh kép, vừa làm cho tường vững chãi, vừa tạo dáng thanh thoát. Bộ diềm mái ngăn cách với thân được ốp bằng những khối đá sa thạch, gắn liền với nhau thành một mảng. Ba mái có ba tầng mô tả như thân tháp nhưng nhỏ dần về phía đỉnh. Các tầng mái, ngoài hệ thống cột và cửa giả còn có những bức trang trí hoa văn. Tầng một, ở phía Nam tạc hình sư tử, phía Tây và Đông trang trí bò thần Nadin, phía Bắc thể hiện mặt Kala nhìn thẳng, bên trong tầng còn có những tượng thờ bằng đá.
Cách tháp chính không xa, về phía Nam bạn gặp một kiến trúc lạ mắt, độc nhất vô nhị ở Bình Ðịnh. Tháp cao độ 10m, bình đồ hình chữ nhật, chiều dài 12m, chiều rộng 5m. Cửa chính mở ra phía Đông, dẫn sâu vào lòng tháp, thông với cửa trỏ ra ở phía Bắc và Nam. Ðặc biệt mái tháp được tạo dáng lõm ở giữa, vút lên ở hai đầu, giống hình yên ngựa. Tháp này giống như tháp phụ trong quần thể tháp Poklongarai ở Ninh Thuận. Ðế tháp hơi nhô ra so với thân tháp, xây giật cấp vuông vức tạo thành bệ đỡ vững chắc. Thân tháp có phù điêu chim thần trong tư thế hai cánh giơ cao như nâng đỡ cả phần trên của tháp.

Ðồi núi của tháp Bánh Ít có nhiều trãng to, rộng, ở về cuối làng Huỳnh Kim, đầu các làng Ðại Lộc, Phong Niên, Vạn Mỹ và nằm bên cạnh dòng Tân An, sát cạnh quốc lộ số 1, bên cạnh cây số 1214 cách Qui Nhơn 15 km. Ở đây phong cảnh hữu tình, có gió mát cây xanh, cảnh vật kỳ thú yên tĩnh, có cây trái thơm ngọt trong mùa hè, phơi màu tươi thắm ở trên những trãng của đồi núi tĩnh lặng. Hơn nữa nơi đây có nhiều đá son, có giống chim "tò le" kêu rất kỳ lạ.
Di tích Tháp Bánh Ít cũng hội tụ nhiều nét kiến trúc khác nhau, là một trong những công trình đền tháp lớn nhất còn lại của Vương Triều Chămpa đang được các nhà nghiên cứu quan tâm.
2.
1 / 10
BẢO TÀNG QUANG TRUNG
Vị trí: Làng Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cách trung tâm thành phố Qui Nhơn khoảng 45km về phía tây bắc.
Đặc điểm: Bảo tàng Quang Trung lưu giữ các hiện vật về những chiến tích của vua Quang Trung và trình diễn Nhạc võ Tây Sơn - một môn võ truyền thống của Bình Định.
Từ thành phố Quy Nhơn, đi theo Quốc lộ 19 khoảng 45km, du khách sẽ đến bảo tàng Quang Trung ở thị trấn Phú Phong, mảnh đất quê hương của ba anh em nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ.

Được khởi công xây dựng năm 1978 trên một khuôn viên rộng 95.000m² với lối kiến trúc vừa cổ kính, vừa hiện đại, bảo tàng Quang Trung là một không gian văn hoá bao gồm: khu vực bảo tàng, điện thờ Tây Sơn Tam kiệt, tượng đài Hoàng đế Quang Trung, nhà biểu diễn nhạc võ Tây Sơn, nhà rông văn hoá các dân tộc Tây Nguyên...
Một điều mà du khách không thể bỏ qua khi đến với bảo tàng Quang Trung là thưởng thức nhạc võ Tây Sơn với một bộ 12 trống tượng trưng cho 12 con giáp. Một bài trống gồm ba hồi: xuất quân xung trận, hãm thành và ca khúc khải hoàn. Khi nghe bài trống này, du khách sẽ cảm thấy cảnh mưa rào thác đổ, khi nhặt khi khoan, khi dồn dập bức tim, khi hào hùng phấn chấn. Tương truyền ngày xưa, nhạc võ được đánh để kích thích tinh thần của nghĩa quân Tây Sơn. Ngoài ra, du khách còn được xem những màn biểu diễn võ cổ truyền độc đáo, thưởng thức văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên với nhiều tiết mục múa đặc sắc, gợi nhớ lại những ngày đầu anh em nhà Tây Sơn khởi nghiệp từ vùng thượng đạo An Khê (Gia Lai).Khu vực bảo tàng bao gồm 9 phòng trưng bày với những chủ đề khác nhau, lưu giữ hàng nghìn tư liệu, hiện vật quý xuyên suốt qua các thời kỳ phát triển của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung (1771 - 1789). Nguyễn Huệ là một anh hùng dân tộc có công dẹp loạn trong nước và đánh đuổi quân xâm lược. Năm 1788, ông thống lĩnh đại quân từ Phú Xuân (Huế) hành quân 35 ngày đêm ra Bắc đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược, giải phóng Thăng Long (nay là Hà Nội). Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế hiệu là Quang Trung. Đến với bảo tàng Quang Trung, du khách sẽ được nghe thuyết minh, giới thiệu về những chiến tích lẫy lừng và chiêm ngưỡng những hiện vật quan trọng in đậm chiến công hiển hách của các vị anh hùng áo vải như trống trận, cồng chiêng, ấn tín hay 18 loại binh khí thô sơ giúp nghĩa quân Tây Sơn đi từ chiến thắng 5 vạn quân Xiêm trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút đến trận đánh 29 vạn quân Thanh. Trên các bức tường còn khắc ghi tên, tuổi, quê quán của các quan văn, quan võ dưới triều đại Tây Sơn. Ngoài ra du khách còn được ngắm sắc phục đã được lưu giữ hàng trăm năm qua của các vị quan này.
Thông tin thêmSau khi vượt qua cầu Cảnh, du khách sẽ đến điện thờ Tây Sơn Tam kiệt và các văn thần võ tướng nhà Tây Sơn được xây dựng trên chính ngôi nhà thuở sinh thời của ba anh hùng áo vải. Nơi đây ba anh em nhà Tây Sơn cất tiếng khóc chào đời, lớn lên và trở thành những lãnh tụ kiệt xuất của phong trào Tây Sơn. Đây cũng chính là nơi thờ thân sinh của ba anh em nhà Tây Sơn là ông Hồ Phi Phúc và bà Nguyễn Thị Đồng. Điện Tây Sơn tuy nhỏ nhưng trang nghiêm. Trước sân rộng có cổng tam quan, tiếp đó là nhà bia ghi công lao của Quang Trung - Nguyễn Huệ viết bằng chữ quốc ngữ. Chính điện gồm ba gian, gian giữa thờ Quang Trung - Nguyễn Huệ, có bức tranh ông cưỡi ngựa đặt trong khung kính, gian bên trái thờ Nguyễn Nhạc, gian bên phải thờ Nguyễn Lữ. Hai đầu hồi là ban thờ các văn thần võ tướng nhà Tây Sơn như: Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng, Ngô Thì Nhậm, Ngô Văn Sở, Trần Văn Kỷ… Hiện nay trong khu vườn cũ của gia đình anh em Tây Sơn vẫn còn lại hai di tích cực kỳ quý giá là cây me cổ thụ và giếng nước xưa, tương truyền có từ thời Hồ Phi Phúc. Cây me cổ thụ nằm bên trái điện Tây Sơn cành lá xum xuê che mát cả một góc vườn, có chu vi gốc cây tới 3,5m. Bên phải điện Tây Sơn là giếng nước, đường kính 0,9m, trước đây xây bằng đá ong và không sâu như bây giờ. Sau này dân làng vét sâu thêm và xây thành giếng cao hơn mặt đất 0,8m để làm giếng chung cho cả làng. Tới đây, du khách có thể ngồi nghỉ dưới gốc cây me, múc nước giếng mát uống để tăng thêm nhuệ khí hào hùng như những người anh hùng thuở trước.
Về thăm Bảo tàng Quang Trung, du khách sẽ như được ngược dòng lịch sử để sống với tinh thần thượng võ, anh hùng, nghĩa hiệp, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, giữ gìn quê hương, đất nước qua lịch sử oai hùng của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và những chiến công hiển hách, lừng lẫy của Quang Trung – Nguyễn Huệ.

Hàng năm cứ vào ngày 5/1 âm lịch, nhân dân quanh vùng lại tụ hội về bảo tàng để làm lễ tưởng niệm người anh hùng dân tộc Quang Trung (hay còn gọi là ngày lễ Đống Đa).
Giờ mở cửa: tất cả các ngày trong tuần
- Sáng: 7h đến 11h
- Chiều: 1h30 đến 5h
Giá vé: 10.000 đồng/người, áp dụng thống nhất cho người Việt Nam và người nước ngoài.

3.Thuyết minh danh lam thắng cảnh ở Bình Định - ầm Hô
Về Bình Định, bên cạnh nét đẹp huyền thoại của 7 cụm tháp Chàm nổi tiếng, đến huyện Tây Sơn du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền ảo của thắng cảnh Hầm Hô.
Hầm Hô
 
Người dân nơi đây giải thích rằng, vì có một thác nước cao chừng sáu, bảy mét, đổ vào một hầm đá rộng, phát ra tiếng kêu ầm ồ như tiếng hô báo cho người chèo bè biết sắp tới chỗ nguy hiểm, nên gọi là Hầm Hô.
Hầm Hô là nơi gặp gỡ của hai nhánh sông Đồng Hưu và sông Cát đổ vào sông Phú Phong. Thắng cảnh là cả một khúc sông dài tới gần 3km, hai bên bờ là những khối đá trập trùng, chỗ thì dựng đứng như thành vách, nơi thì chồng chất lên nhau thành đống, lại có đoạn đá nhọn lởm chởm như những thanh gươm dựng đứng. Những lùm cây xanh làm dịu đi vẻ hiểm trở của những vách đá nhấp nhô. Những bụi sim với màu lá xanh, hoa tím xen lẫn những khóm phong lan cheo leo trên đá, lửng lơ trên những cành cây.
Đến với Hầm Hô, du khách không chỉ đắm mình vào cảnh núi non hùng vĩ mà còn tận hưởng những tuyệt tác của thiên nhiên ngay dưới lòng sông. Với chiều rộng trên dưới 30 mét, lòng sông chi chít những trụ đá hoa cương thiên hình vạn trạng.

Vào mùa nước cạn, những ngày trời trong xanh, khi những tia nắng ban mai rọi xuống, những khối đá hoa cương ánh lên muôn màu lóng lánh, rực rỡ như ngàn vạn viên kim cương khoe mình trên làn nước trong xanh. Mỗi trụ đá mang cho mình một hình dáng riêng, chắp cánh cho trí tưởng tượng của du khách nơi đây; đá lớn, đá nhỏ, khối vuông, khối tròn, có những cụm nhìn tựa đàn voi đang tắm, có những dãy trông như thể bầy ngựa đang phi…
Nếu có dịp du ngoạn bằng thuyền đi dọc sông, du khách sẽ có dịp đắm mình vào thế giới huyền ảo của thiên nhiên. Cảnh vật kỳ thú nơi đây bắt đầu với bờ đập nước trong veo và mát lạnh. Vượt qua bờ đập, đi ngược dòng sông một đoạn khách sẽ gặp một vách đá dựng đứng như tường thành với cái tên dân gian Hòn Đá Thành.
Ngược về phía thượng nguồn, độ dốc càng lớn, nước chảy càng mạnh. Từng đoạn, từng đoạn chia khúc thành những thác nhỏ, nước chảy ầm ầm dội vào vách núi, cảnh vật càng thêm huyền ảo. Đây đó vang lên tiếng gù của chim Cu Gáy, tiếng hót véo von của chim Khướu, chim Vành Khuyên, tiếng kêu tích tích của những chú chim Sâu. Thỉnh thoảng lại vang lên tiếng Tắc Kè vọng lại từ những hốc đá, lùm cây.

Ngoài việc thưởng ngoạn cảnh đẹp kì ảo của thiên nhiên, du khách còn có dịp sống lại những ngày tháng hào hùng của lịch sử. Tại nơi đây, hơn hai trăm năm về trước vị danh tướng Võ Văn Dũng đã rèn quân luyện võ để rồi sau đó hợp lực với các thủ lĩnh Tây Sơn phất cờ khởi nghĩa. Cũng ở nơi này, anh hùng Mai Xuân Thưởng đã xây dựng căn cứ kháng Pháp. Danh thắng này vì thế còn có ý nghĩa thiêng liêng của một chứng tích lịch sử.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét